“Bạn đang chuẩn bị mua đồ nội thất mới cho ngôi nhà của mình?
Bạn đang tìm hiểu về nội thất phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn hay phòng bếp?”
Bất kể bạn định mua sắm đồ nội thất cho căn phòng nào, quá trình cũng tương tự như bạn đi mua một chiếc xe hơi vậy, sẽ có nhiều kiểu dáng, màu sắc và thương hiệu để bạn lựa chọn khiến bạn mất thời gian để tìm hiểu và rất khó tìm được những món đồ mình ưng ý nhất. Điều quan trọng là hãy trở thành một người mua hàng thông thái.
Bạn có biết những sai lầm phổ biến nào mà mọi người khi mua đồ nội thất thường xuyên gặp phải không? Hãy cùng xem những sai lầm thường gặp dưới đây để tránh khi bạn hoặc người thân tự đi mua đồ nội thất nhé!. Điều quan trọng nhất là đừng vội vàng. Nhiều người thường mất hàng tháng để tìm kiếm một căn nhà, hàng tuần để mua một chiếc xe hơi. Và bạn đừng bỏ ra chỉ vài phút để mua đồ nội thất. Vì vậy, đừng ngần ngại dành ra 2 phút đọc những chia sẻ dưới đây để biết được những sai lầm mà nhiều người tự đi mua nội thất thường gặp phải nhé!
Sai lầm 1: Không đo đạc
Còn gì tồi tệ hơn khi đồ nội thất mới mua được giao đến nhà bạn thì mới phát hiện ra là nó không đưa vào bên trong nhà được. Rất nhiều người quên đo phòng, cửa ra vào, cầu thang và thậm chí là thang máy dẫn đến việc phải mang trả lại cho cửa hàng nội thất.
Lời khuyên: Trước khi đi ra cửa hàng nội thất, hãy đo đạc mọi thứ bao gồm nơi đặt đồ, cửa phòng, cửa chính, hành lang, cầu thang, thang máy. Hãy bảo đảm rằng bạn có đủ không gian trong nhà để xếp đặt nội thất mới. Có nhiều người, thậm chí là cả những nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp, vẫn thường xuyên gặp phải vấn đề khó xử do đồ nội thất không vừa với thang máy. Chiều cao, chiều rộng, chiều sâu của đồ nội thất cần được ghi lại để kiểm tra xem có vừa với thang máy hay không. Vì không lưu tâm đến vấn đề này, nên rất nhiều khách hàng đã bị mất thời gian và tiền bạc để thương lượng trả lại đồ cho cửa hàng. Và bạn cũng đừng quên đo đạc đồ nội thất cả ở cửa hàng nữa nhé!
Sai lầm 2: Màu sắc
Màu sắc của đồ nội thất có thể khác khi ở nhà bạn so với khi bạn thấy ở cửa hàng. Điều này chủ yếu do ánh sáng chiếu vào. Có thể nhà bạn có nhiều ánh sáng tự nhiên hơn, còn đồ nội thất thì được đặt trong một góc tối ở cửa hàng, hoặc ngược lại. Chính vì vậy, bạn cần lưu ý rằng ánh sáng có thể ảnh hưởng đến màu sắc của đồ nội thất.
Lời khuyên: Màu sắc của nội thất trông có vẻ rực rỡ ở showroom, nhưng có thể không được như thế ở phòng khách của bạn. Hãy hỏi người bán hàng về bảng màu hoặc tấm vật liệu mẫu và mang nó đến nhà bạn để xem màu đó có phù hợp với những món đồ nội thất của bạn hay không nhé!
Sai lầm 3: Công năng sử dụng
Đồ nội thất của bạn sẽ được sử dụng như thế nào? Nhà bạn có thú cưng hoặc trẻ nhỏ không? Nếu có, bạn sẽ muốn mua đồ nội thất đủ bền chắc để đứng vững trước những thách thức từ trẻ nhỏ và thú cưng. Ví dụ, bạn sẽ không muốn chọn vải bọc màu trắng hoặc sáng màu nếu cún cưng nhà bạn thường xuyên ngủ trưa trên ghế sofa. Bạn cũng sẽ không muốn một bộ sofa bọc nỉ do bạn có nhiều khách đến nhà và thường xuyên cụng ly. Vì vải nỉ thấm bia rượu rất nhanh, thường để lại mùi rất lâu và khó vệ sinh.
Lời khuyên: Đồ nội thất phải phù hợp với lối sống của gia đình bạn. Nhiều người quên mất một thực tế rằng, món đồ nội thất họ mong muốn chưa chắc sẽ phù hợp với những thành viên khác trong gia đình và có thể chỉ cún cưng của bạn sẽ thích nó. Cún cưng và trẻ em ngồi trên ghế bọc vải lụa, tiệc tùng trên sofa vải nỉ – nghe có vẻ không ổn lắm.
Sai lầm 4: Vật liệu và công nghệ sản xuất
Những đồ nội thất làm sẵn từ các xưởng nhỏ lẻ thường bỏ qua quy trình kiểm tra chất lượng cũng như sử dụng các vật liệu, sơn, keo dính, phụ kiện rẻ tiền. Khi sơn phủ ra ngoài thì trông như nhau. Sau một thời gian sử dụng, đồ nội thất đặt trong những nơi có độ ẩm cao như tủ bếp, bàn trà sẽ xuất hiện bong tróc viền, xệ cánh, bản lề kêu rít và bị ngả màu.
Lời khuyên: Hãy xem xét tỉ mỉ các đường nét của đồ nội thất, đặc biệt nội thất sử dụng gỗ công nghiệp, các đường viền khi sờ tay vào phải mịn, không có hoặc rất ít dấu hiệu ráp nối, không lộ keo, không sần sùi gồ ghề, thậm chí nhúng được vào nước nếu công nghệ sơn phủ tốt. Bạn có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin về nơi sản xuất, từ đó bỏ ra ít phút để tự tìm hiểu về cơ sở vật chất của nhà sản xuất đó, dĩ nhiên rồi, bằng Google. Đối với nội thất nhập khẩu, bạn nên đề nghị người bán chứng minh nguồn gốc bằng các giấy tờ như: Chứng nhận xuất xứ (CO), Chứng nhận chất lượng (CQ), trong đó thể hiện rõ tên hàng, mã hàng mà bạn muốn mua.
Sai lầm 5: Chọn xu hướng thay vì chọn thoải mái
Có một đôi vợ chồng trẻ đi mua đồ nội thất cho căn nhà đầu tiên của mình, họ đã lùng sục khắp các cửa hàng nội thất trong thành phố để tìm cho mình những món đồ ưng ý. Cuối cùng họ tìm thấy một bộ sofa cùng với 3 chiếc ghế đơn mà họ rất ưng mắt. Khi đồ nội thất giao đến nơi, những chiếc ghế có vẻ nhỏ bé so với căn phòng, tệ hơn nữa khi họ nhận ra đó những chiếc ghế ngồi kém thoải mái nhất từ trước tới nay. Chúng thậm chí còn kém thoải mái hơn cả ghế tàu hỏa.
Vậy sai lầm ở đây là gì? Không phải do họ mua hàng trên mạng, cũng không phải do họ chưa đi nhiều cửa hàng. Họ cũng không quá vội vàng. Ngoại trừ ở thời điểm cuối cùng, đó thực sự mới là vấn đề. Bởi vì họ đã đi nhiều nơi đến mệt lử, bởi vì họ “ngồi thử” không đủ lâu.
Lời khuyên: Nội thất nên hướng đến sự thoải mái và bền vững trước tiên, đó là điều quan trọng nhất. Bạn sẽ muốn mua đồ nội thất nhìn vẫn hấp dẫn trong nhiều năm về sau thay vì dựa vào tính thời thượng và xu hướng bởi chúng đi cũng nhanh như lúc chúng đến.
Sai lầm 6: Mua hàng online
Hãy tưởng tượng bạn mua một chiếc ghế bành trên mạng và khi nhận được hàng, nó không êm ái mềm mại như bạn nghĩ.
Lời khuyên: Trong khi mọi người yêu thích sự tiện lợi do mua hàng trực tuyến mang lại, nội thất là một trong những thứ mà bạn cần phải kiểm tra hai lần. Hình ảnh của nội thất trực tuyến nhìn có vẻ đẹp nhưng bạn không thể có cảm nhận thực tế cho đến khi hàng được giao đến nhà bạn. Trường hợp này xảy ra khá thường xuyên lý giải cho việc bạn nên đích thân kiểm tra nội thất trước khi đặt hàng trên mạng.
Sai lầm 7: Bỏ qua thông tin bảo hành, bảo trì
Nhiều người trong lúc bốc đồng đã vội vã quyết định mua hàng mà không tìm hiểu về bảo hành, bảo trì. Một thời gian sau, gần như chắc chắn bạn sẽ phải trả thêm tiền để sửa chữa do đã lỡ quên không hỏi về bảo hành, bảo trì.
Lời khuyên: Hãy nghĩ về việc bảo hành, bảo trì. Một số đồ nội thất cao cấp có thể cần đến sự chăm sóc nhiều hơn so với bạn nghĩ. Nếu bạn định mua một cái bàn gỗ, hãy hỏi về độ bền của phần gỗ hoàn thiện. Hãy tìm hiểu cách vệ sinh nó bằng sản phẩm làm sạch nào và quan trọng hơn là không nên làm vệ sinh với sản phẩm làm sạch nào. Trong vài trường hợp, một số sản phẩm vệ sinh làm hư hại phần gỗ hoàn thiện. Ngoài chính sách bảo hành, bảo trì bạn cũng yêu cầu nơi bán cung cấp chỉ dẫn cách bảo quản, sử dụng.
Sai lầm 8: Chi tiêu quá tay
Bạn dự tính ngân sách khoảng 300 triệu cho tất cả đồ nội thất trong ngôi nhà bao gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng bếp. Nhưng bạn bị mê hoặc bởi bộ sofa bọc da kiểu Italia kia, mặc dù nó có giá 200 triệu, và bạn đã mua nó. Với 100 triệu còn lại liệu có đủ? Khi đó, bạn không thể dừng lại được nữa.
Lời khuyên: Hãy giữ tầm giá trong ngân sách của bạn. Thực tế có vẻ khó khăn hơn là nói. Nhiều người bị cám dỗ bởi vẻ đẹp của các món đồ nội thất mà quên mất phần ngân sách cho phép của mình. Bạn gần như sẽ chi tiêu vượt xa tầm ngân sách của bạn. Hãy nhớ rằng còn có nhiều chi phí khác nữa, chẳng hạn như chi phí giao hàng hoặc mua gói bảo hành mở rộng. Nên nhớ, chi tiêu vượt mức ngân sách dự định sẽ khiến bạn thực sự đau đầu – đặc biệt nếu chiếc sofa ngoại cỡ không thể đưa vào nhà do cửa phòng quá nhỏ, và bạn phải thuê người tháo rời nó ra. Dù sao thì thuốc giảm đau Paracetamol đang bán khá rẻ. Dưới đây sẽ là một số lời khuyên bạn cần ghi nhớ giúp bạn mua hàng an toàn hơn và bảo vệ khoản đầu tư của mình:
– Bắt đầu tìm hiểu trên Internet về những công ty nội thất uy tín, sở hữu thương hiệu với nhiều năm kinh nghiệm và có showroom bán lẻ gần nơi bạn ở.
– Đo đạc chi tiết để biết kích thước phù hợp.
– Đích thân nhìn ngắm và lựa chọn kỹ những món đồ nội thất.
– Kiểm tra xem đồ nội thất đó có sẵn hàng hay không và bao lâu thì giao hàng.
– Lấy giá bao gồm/không bao gồm dịch vụ giao hàng tại cửa hàng để so sánh.
– Tìm hiểu xem giao hàng có bao gồm lắp đặt hay không.
– Tìm hiểu về các chính sách bảo hành, bảo trì, trả lại hàng, hướng dẫn sử dụng.
– Yêu cầu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của đồ nội thất bạn muốn mua.
– Yêu cầu giảm giá theo gói nếu mua nhiều món đồ cùng lúc.
Theo một công ty nghiên cứu thị trường, xu hướng mua sắm nội thất trực tuyến có tốc độ tăng trưởng khoảng 14%/năm và thực tế có hơn 80% người khách hàng mua nội thất thực hiện tìm kiếm, nghiên cứu trên Internet trước khi đến mua tại cửa hàng. Bởi vì người tiêu dùng muốn sử dụng những đồng tiền của mình một cách thông minh. Bằng cách đọc một số lời khuyên từ những sai lầm thường thấy nêu trên, người tiêu dùng có thể cảm thấy tự tin mua đồ nội thất bán sẵn.